1. Xung đột và hòa nhập văn hóa
Trong giao lưu văn hóa có hai hiện tượng thường gặp nhất, xảy ra giữa các chủ thể ngang sức, cùng bậc là xung đột và hòa nhập văn hóa; có hai hiện tượng đáng chú ý khác, xảy ra giữa các chủ thể không ngang sức, khác bậc là hội nhập và xâm lược văn hóa.
Mối quan hệ giữa bốn trường hợp này được trình bày trong bảng 1.
Bảng 1: Bốn trường hợp giao lưu văn hóa
Khái niệm
|
Tương quan
|
Tương hợp
|
Vai trò chủ động
|
Diễn biến - kết quả
|
Xung đột
|
Ngang sức, cùng bậc
|
Không
tương hợp
|
Từ cả hai phía
|
Mâu thuẫn g va chạm, đụng độ, tranh chấp...
|
Hòa nhập
|
Tương hợp
|
Tái cấu trúc g tạo nên chủ thể mới
|
Hội nhập
|
Không ngang sức, khác bậc
|
Từ phía yếu hơn
|
Chủ thể yếu hơn tái cấu trúc, trở thành một phần của chủ thể mạnh hơn
|
Xâm lược
|
Không
nhất thiết
|
Từ phía
mạnh hơn
|
2. Thực trạng giao lưu văn hóa tại các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam và các gia đình Hàn-Việt
2.1. Việt Nam với phương Tây rõ ràng là những nền văn hóa rất khác biệt, trong nhiều trường hợp là trái ngược. Còn Việt Nam và Hàn Quốc là hai nền văn hóa được giới học giả đánh giá là có sự tương đồng cao. “Tương đồng” là thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến trong tiêu đề các bài viết, chuyên khảo, hội thảo khoa học [Khoa ngữ văn ĐHQG HN 1996; Lê Lưu Oanh 2004; Nguyễn Phan Thọ 2004; Lý Xuân Chung 2007; v.v.] Cụm từ “tương đồng và khác biệt” chỉ gần đây mới xuất hiện trong các tiêu đề [vd: Trần Thị Thu Lương 2016].
2.2. Theo quy luật đã nêu thì hai nền văn hóa khác biệt lớn khi giao lưu sẽ dễ xảy ra xung đột; còn hai nền văn hóa có sự tương đồng cao phải dễ dàng hòa nhập. Song, thực trạng giao lưu văn hóa ở Việt Nam và với Việt Nam không chứng thực điều này: Các công ty phương Tây ở Việt Nam làm việc rất yên ổn. Các gia đình đa văn hóa phương Tây - Việt Nam sống khá bình lặng. Trong khi đó tại các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam và các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt ở Hàn Quốc, xung đột xảy ra liên miên trong nhiều năm và khá trầm trọng về mức độ. Sau Hàn Quốc là Đài Loan.
3. Giải pháp giảm thiểu xung đột và gia tăng hòa nhập - hội nhập văn hóa tại các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam và các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt
3.1. Với thực trạng giao lưu văn hóa như vậy, có ba mục tiêu cần đặt ra:
(a) Giảm thiểu xung đột văn hóa tại các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam và các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt;
(b) Gia tăng hòa nhập văn hóa trong nội bộ các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam và các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt;
(c) Gia tăng hội nhập văn hóa của các doanh nhân Hàn Quốc vào xã hội Việt Nam và của các cô dâu Việt Nam vào xã hội Hàn Quốc.
Ba mục tiêu này liên quan chặt chẽ với nhau nhưng không hoàn toàn trùng nhau.
3.2. Để thực hiện ba mục tiêu này, về lý thuyết, cần loại trừ ba nhóm nguyên nhân đã nêu ở mục 3. Song trên thực tế, công việc này không hề dễ dàng chút nào.
Trong hai nhóm nguyên nhân liên quan đến công ty và gia đình, có những nguyên nhân thuộc bản chất của chủ thể, không thể khắc phục được (như mức độ trí tuệ của nghề nghiệp thấp; tuổi tác, khuyết tật của người chồng,...); nhiều nguyên nhân khác cũng thuộc loại không thể khắc phục một cách dễ dàng, lại càng không thể khắc phục ngay trong một thời gian ngắn (như truyền thống văn hóa doanh nghiệp của công ty yếu; trình độ học vấn thấp của hai vợ chồng,...).
Với nhóm nguyên nhân thứ ba về sự khác biệt văn hóa thì việc soạn một “Cẩm nang hướng dẫn ứng xử trong giao lưu văn hóa Hàn-Việt” là một giải pháp hợp lý. Song cần lưu ý rằng “Cẩm nang hướng dẫn ứng xử” là cách làm “cầm tay chỉ việc”, tuy có hiệu quả ngay như một thứ “mỳ ăn liền”, nhưng không giải quyết được vấn đề một cách bài bản, căn cơ. Không bài bản, căn cơ vì, thứ nhất, nó chỉ tập trung vào bình diện ứng xử mà bỏ qua hai bình diện nhận thức và tổ chức. Thứ hai, những sự khác biệt văn hóa và biểu hiện của chúng là vô cùng phong phú, không cẩm nang nào có thể bao quát và hướng dẫn hết được.
3.3. Như vậy, để thực sự giảm thiểu xung đột và gia tăng hòa nhập - hội nhập văn hóa tại các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam và các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt thì có giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài.
Giải pháp trước mắt là biên soạn cẩm nang hướng dẫn ứng xử trong các tình huống giao tiếp liên văn hóa dành cho các doanh nhân Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam và các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt nói riêng cũng như mọi công dân tham gia các hoạt động liên quan đến quan hệ giữa hai nền văn hóa nói chung.
Giải pháp lâu dài là bên cạnh việc biên soạn cẩm nang hướng dẫn ứng xử, cần tác động vào bình diện nhận thức của tất cả những người có liên quan, giúp họ ý thức rằng Hàn Quốc và Việt Nam là hai nền văn hóa riêng biệt chứ không tương đồng, rằng trước những điều khó hiểu hoặc những ấn tượng xấu về đối tác mà trong cẩm nang không có lời giải sẵn thì đừng vội vàng quy kết mà cần tìm hiểu và thẳng thắn đối thoại. Chỉ có như vậy mới có thể hóa giải được những hiểu lầm, xung đột và gia tăng hòa nhập - hội nhập văn hóa tại các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam và các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "ỨNG XỬ HÀN - VIỆT"